Thời trang bền vững từ lâu được gắn liền với các thương hiệu cao cấp, đắt đỏ. Tuy nhiên, xu hướng này đang dần trở nên gần gũi hơn với số đông người tiêu dùng nhờ sự tham gia của các nhãn hiệu bình dân.
Phần lớn người có thu nhập trung bình thường chọn thời trang nhanh vì giá cả hợp lý và dễ tiếp cận. Trong khi đó, các sản phẩm bền vững như của Stella McCartney tuy thân thiện với môi trường nhưng lại quá đắt đỏ đối với họ. Ngay cả những thương hiệu không quá xa xỉ như Reformation hay Birdsong cũng bán quần áo với giá từ 125 đến 200 USD để đầu tư vào môi trường, công nhân và quy trình sản xuất bền vững.
Theo chuyên gia tài chính Pete Dunn, người tiêu dùng thường chi khoảng 5% thu nhập cho quần áo. Với mức lương 30.000 USD/năm, họ chỉ có khoảng 1.500 USD để chi cho trang phục khó có thể mua các sản phẩm thời trang bền vững đắt tiền.
Trong khi đó, ngành thời trang nhanh dù gây hại lớn cho môi trường nhưng lại tạo ra doanh thu khổng lồ cho các ông lớn như chủ sở hữu Topshop hay CEO của GAP. Nếu một phần nhỏ lợi nhuận đó được dùng để cải thiện điều kiện sản xuất và vật liệu thì tác động tích cực sẽ rất lớn.
Cần lưu ý, không chỉ thời trang giá rẻ mà cả thời trang cao cấp cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và người lao động. Orsola de Castro - đồng sáng lập Fashion Revolution khẳng định: Việc chi nhiều tiền cho trang phục không đảm bảo rằng chúng được sản xuất một cách bền vững hay đạo đức hơn.
Thực tế, nhiều thương hiệu thời trang bình dân như H&M, GAP hay ASOS lại minh bạch hơn trong chuỗi cung ứng so với các thương hiệu cao cấp. Họ đã đạt mức minh bạch lên đến 50% theo chỉ số của Fashion Revolution - một dấu hiệu tích cực dù chưa hoàn hảo.
Mặc dù còn nhiều thách thức, các thương hiệu thời trang phổ thông đang có những bước tiến đáng ghi nhận: từ việc thu gom, tái chế quần áo cũ đến sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường như vải lanh, cotton hữu cơ hay polyester tái chế. Nhờ đó, thời trang bền vững đang dần trở nên dễ tiếp cận hơn với đa số người tiêu dùng.
***Nguồn thông tin tham khảo: Tạp chí ELLE